TỰ ĐỘNG HÓA TRONG NGÀNH SẢN XUẤT LINH KIỆN ĐIỆN TỬ

Tìm hiểu về tự động hóa trong ngành sản xuất linh kiện điện tử

Tại Việt Nam, ngành sản xuất linh kiện điện tử đang ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử (EI) tăng trưởng nhờ vào quá trình cung cấp các bộ phận và linh kiện. Trong giai đoạn năm 2021, lĩnh vực này gặp một số khó khăn nhất định vì chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng do nhiều yếu tố khách quan. Để khắc phục những thách thức ở giai đoạn trên, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn ứng dụng tự động hóa vào nhà máy sản xuất linh kiện điện tử để tăng năng suất và đảm bảo chất lượng sản phẩm. Bàn luận về vấn đề này, chúng tôi, HELUKABEL Việt Nam đã có một cuộc trò chuyện cùng anh Trịnh Duy Thọ, Trưởng phòng kinh doanh của Công Ty TNHH Rotac Vina – Công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử ở thành phố Bắc Ninh.

Năm 2015, Công ty TNHH Rotac Vina được thành lập tại Việt Nam với mong muốn tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất đầu nối điện (slipring) sử dụng trong camera PTZ (camera quan sát an ninh có khả năng điều khiển hướng và phóng to, thu nhỏ hình ảnh) và máy móc trên toàn cầu, góp phần cải thiện giải pháp công nghệ số. Hiện tại, công ty đang tập trung nghiên cứu và sản xuất Slipring (rotating electrical connector) ứng dụng trong thiết bị điện tử và công nghiệp (máy móc công nghiệp, robotics, thiết bị y tế, thiết bị đóng gói…).

Anh Trịnh Duy Thọ, Trưởng phòng kinh doanh của Công Ty TNHH Rotac Vina và cũng là người chịu trách nhiệm quản lý chuỗi cung ứng và các sản phẩm của công ty. Tính đến nay, anh đã có gần 7 năm làm việc trong ngành sản xuất linh kiện điện tử.

Anh Trịnh Duy Thọ, Trưởng phòng kinh doanh của Công Ty TNHH Rotac Vina và Chị Hoàng Hà Thu Hằng, Sales Engineer của công ty HELUKABEL Việt Nam.
Anh Trịnh Duy Thọ, Trưởng phòng kinh doanh của Công Ty TNHH Rotac Vina và Chị Hoàng Hà Thu Hằng, Sales Engineer của công ty HELUKABEL Việt Nam.

*Gần 7 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, anh đánh giá ngành này ở Việt Nam đang phát triển như thế nào trước và sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ?

Ngành sản xuất linh kiện điện tử trên toàn cầu và ở Việt Nam phát triển rất thuận lợi và tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, cuối năm 2019, khi dịch bệnh bùng phát, các vấn đề như: container tắc nghẽn, nhà máy thiếu linh kiện, chuỗi cung ứng bị đứt gãy… Nguồn cung cấp linh kiện bị gián đoạn làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, khiến ngành này phát triển chậm lại và gặp nhiều thách thức.

Chẳng hạn, trước đây các linh kiện chỉ cần 3-4 tháng để nhập về Việt Nam nhưng ở thời điểm dịch bệnh, phải mất hơn 1 năm để nhận được hàng hóa, thậm chí có những sản phẩm mất khoảng 50 đến 60 tuần để nhập khẩu. Trong khi đó, khách hàng luôn có nhu cầu nhận được sản phẩm theo đúng yêu cầu trong thời gian sớm nhất. Điều này cũng là thách thức lớn của doanh nghiệp, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải theo sát thị trường và có những chiến lược phù hợp cho từng thời điểm để nhập khẩu kịp thời các thiết bị, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Hiện tại, những thách thức này đã giảm đi nhiều nhưng vẫn cần thời gian để thị trường ổn định và phục hồi trở lại.

*Khi đứng trước những thách thức trên, anh đã có những giải pháp như thế nào để vượt qua và hạn chế tổn thất?

Để khắc phục được vấn đề về thời gian trong khâu xuất nhập khẩu các linh kiện điện tử, điều này đòi hỏi người lãnh đạo cần theo sát thị trường, dự báo trước nhu cầu của khách hàng để có những hành động kịp thời.

Cụ thể, bạn có thể dựa vào nhu cầu của khách hàng ở các năm trước và xu hướng mới trong tương lai, từ đó phân tích, đánh giá và đưa ra chiến lược phù hợp. Nhờ vào phân tích này, bạn sẽ biết được những linh kiện, sản phẩm nào cần được nhập về trước để đón đầu xu hướng của thị trường và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng kịp thời.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ ưu tiên làm việc trực tiếp với các đơn vị sản xuất chính thống để tránh mất thời gian và đảm bảo chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, vấn đề hàng tồn kho cũng cần được quan tâm và khắc phục hiệu quả để tránh gây ra thiệt hại lâu dài.

* Được biết, Rotac Vina đang sản xuất nhiều linh kiện điện tử để phục vụ cho nhiều ngành khác nhau. Trong đó, thiết bị đóng ngắt mạch, bảo vệ mạch điện, dùng để đấu nối, lắp trong mạch điện là sản phẩm chủ lực. Vậy các thiết bị này có vai trò gì và thường ứng dụng trong những lĩnh vực cụ thể nào?

Trước đây, thiết bị đóng ngắt mạch bảo vệ mạch điện, dùng để đấu nối và lắp đặt trong mạch điện được ký hiệu 8536 theo mã HS code*. Khi dịch tên sản phẩm theo mã này sẽ rất dài nhưng có thể đọc tắt là Slipring. Đây là đầu nối điện gồm 2 phần, một phần cố định và một phần chuyển động (có thể xoay 360 độ), được ứng dụng cho nhiều lĩnh vực khác nhau như camera giám sát, máy phát điện gió, máy xúc, cần cẩu…vv..

Chẳng hạn, với các thiết bị camera PTZ đòi hỏi cần phải xoay chuyển linh hoạt để quan sát nhiều góc độ, slipring sẽ giúp truyền tải tín hiệu từ đầu cố định đến đầu xoay – hai đầu của slipring - và đảm bảo dây không bị xoắn.

* Các sản phẩm do công ty Rotac Vina sản xuất được đánh giá tốt về chất lượng, vậy bí quyết nào để công ty giữ vững điều này từ ngày đầu thành lập cho đến hiện tại?

Tại Rotac Vina, quy trình sản xuất khép kín được quản lý rất chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm. Chúng tôi luôn đặt chất lượng lên hàng đầu, do đó, những công đoạn và bộ phận chính của sản phẩm đều sẽ do Rotac Vina thực hiện. Ví dụ, trong sản phẩm các linh kiện chính như vòng rãnh chữ V (ring), chân tiếp xúc đều do Rotac Vina thực hiện bởi những nhân viên giỏi chuyên môn.

Ngoài ra, các máy móc, thiết bị và sản phẩm dùng trong nhà máy đều được nhập từ những thương hiệu nổi tiếng lâu đời trên thế giới để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra.

*Trong quá trình sản xuất linh kiện điện tử, việc ứng dụng tự động hóa đóng vai trò như thế nào?

Mặc dù một số công đoạn cần sự tỉ mỉ, chi tiết và khó để ứng dụng máy móc thay cho con người nhưng không thể phủ nhận tự động hóa góp phần rất quan trọng để tăng năng suất và đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Một số đơn hàng đặt biệt có yêu cầu về độ xoắn và số lượng dây cho sản phẩm slipring, con người sẽ điều khiển máy móc để thực hiện các bước chính xác và dễ dàng, giúp sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng và yêu cầu về độ thẩm mỹ.

Bên cạnh đó, trong các máy kiểm tra, việc ứng dụng tự động hóa cũng được ưu tiên để kiểm soát chất lượng của sản phẩm.

*Để đảm bảo quá trình ứng dụng tự động hóa hiệu quả, nhà máy sản xuất thường quan tâm đến tiêu chí nào?

Bên cạnh việc chú trọng về thiết bị máy móc, hệ thống dây cáp điện tín hiệu, cáp điều khiển cũng cần được quan tâm hàng đầu. Bởi đây là sản phẩm góp phần đảm bảo tín hiệu truyền tải ổn định, mang đến quá trình vận hành trơn tru cho toàn hệ thống, giúp sản phẩm đầu ra đạt chất lượng tốt.

Khi lựa chọn các sản phẩm dây cáp điện cho hệ thống máy móc tự động hóa, chúng tôi sẽ ưu tiên chọn hợp tác với đơn vị sản xuất trực tiếp, chính hãng và có thương hiệu lâu đời. Hơn nữa, chất liệu vỏ và các thông số kỹ thuật cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá mức độ phù hợp. Hiện tại, chúng tôi đang sử dụng các sản phẩm dây cáp điện và phụ kiện của HELUKABEL và rất hài lòng về sản phẩm cũng như dịch vụ.

Ví dụ, chúng tôi đang sử dụng dòng dây cáp điều khiển JB-500 xám có vỏ PVC đặc biệt, chịu được môi trường dầu và hóa chất, khả năng chống bức xạ tốt, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và thị trường EU về tiêu chuẩn RoHS, REACH. Khi kết hợp dòng dây này với sản phẩm của chúng tôi sẽ tạo thành tổng thể hoàn hảo với khả năng chuyển động tốt nhưng vẫn đảm bảo đường truyền tín hiệu chính xác và ổn định, không bị ngắt quãng và ảnh hưởng tuổi thọ của sản phẩm.

Sản phẩm của công ty Rotac Vina kết hợp sử dụng dây cáp điện JB-500 xám của HELUKABEL Việt Nam. JB-500 có vỏ PVC đặc biệt, chịu được môi trường dầu và hóa chất, khả năng chống bức xạ tốt, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và thị trường EU về tiêu chuẩn RoHS, REACH.
Sản phẩm của công ty Rotac Vina kết hợp sử dụng dây cáp điện JB-500 xám của HELUKABEL Việt Nam. JB-500 có vỏ PVC đặc biệt, chịu được môi trường dầu và hóa chất, khả năng chống bức xạ tốt, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng và thị trường EU về tiêu chuẩn RoHS, REACH.
Sản phẩm của công ty Rotac Vina.
Sản phẩm của công ty Rotac Vina.

*Theo anh, thị trường sản xuất linh kiện điện tử năm 2023 sẽ có những thay đổi như thế nào? Và các doanh nghiệp cần chuẩn bị những gì cho sự thay đổi này?

Trong năm 2023, nền kinh tế thị trường trên thế giới sẽ có nhiều biến động và ngành sản xuất linh kiện điện tử cũng sẽ gặp nhiều thách thức mới. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin vào một tương lai đầy tiềm năng bởi ngày nay, con người có xu hướng sử dụng nhiều thiết bị điện tử tiên tiến, chẳng hạn như camera giám sát hiện đại với chức năng di chuyển linh hoạt 360 độ để phục vụ cho nhu cầu trong đời sống. Điều này sẽ giúp chúng tôi, cũng như các công ty trong ngành linh kiện điện tử có thêm cơ hội để phát triển trong năm mới.

Và năm 2023 cũng là năm mà các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử nên cân nhắc chuyển đổi và ứng dụng tự động hóa vào quá trình sản xuất để đạt được hiệu quả như mong đợi.

*Xin gửi lời cảm ơn đến anh Trịnh Duy Thọ và công ty Rotac Vina đã mang đến những chia sẻ và góc nhìn về ngành sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam. Chúc anh và công ty ngày càng phát triển vững mạnh và thành công hơn nữa trong tương lai.

(*) HS Code hay mã HS là mã số phân loại hàng hóa được quy chuẩn theo quy định của Hệ thống phân loại hàng hóa do Tổ chức Hải quan thế giới WCO phát hành.

Trở lại bảng tin