ĐIỆN MẶT TRỜI CÓ CÒN HẤP DẪN ĐỂ ĐẦU TƯ?

ĐIỆN MẶT TRỜI CÓ CÒN HẤP DẪN ĐỂ ĐẦU TƯ?

Trong 2 năm trở lại đây, lĩnh vực điện năng lượng mặt trời đang phải đối mặt với những thách thức lớn do ảnh hưởng từ nhiều yếu tố. Đặc biệt, khi chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam (quyết định 13) hết hiệu lực từ ngày 31/12/2020, các doanh nghiệp đã bắt đầu lo lắng về giá mua điện mặt trời giảm và gặp nhiều trở ngại bởi các chính sách pháp lý. Vậy trước những thách thức đặt ra, việc đầu tư vào điện năng lượng mặt trời có còn hiệu quả và lĩnh vực này có còn hấp dẫn để đầu tư? Để trả lời câu hỏi trên, hãy cùng chúng tôi gặp gỡ anh Nguyễn Duy Khoa, Business Development Manager của Công Ty TNHH phân phối Ngọc Bảo để thảo luận về vấn đề này.

HELUKABEL VIETNAM | SHOULD WE INVEST IN SOLAR ENERGY IN THE FUTURE

Anh Nguyễn Duy Khoa, Business Development Manager của Công Ty TNHH phân phối Ngọc Bảo là một trong những đối tác thân thiết của công ty chúng tôi. Với kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực phân phối và cung cấp cáp tín hiệu, điều khiển… cho các dự án điện mặt trời (điện mặt trời), anh đã có những chia sẻ về thực trạng ngành điện mặt trời tại Việt Nam hiện nay.

Điện mặt trời ở giai đoạn bùng nổ

Từ năm 2019 - 2020, với các cơ chế khuyến khích (Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 và Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ), điện mặt trời đã có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Cụ thể, trong năm 2018, công suất lắp đặt điện mặt trời ở Việt Nam đạt 105MW, tăng lên 5GW chỉ sau một năm và đến năm 2020, công suất lắp đặt điện mặt trời đã lên đến mức 16,5GW. Năm 2020 được xem là năm đánh dấu sự phát triển bùng nổ của điện mặt trời tại Việt Nam.

Tuy nhiên, sau giai đoạn phát triển bứt phá, sự đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp đã dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống lưới điện quốc gia. điện mặt trời đấu nối lên lưới quá nhiều tạo ra nhiều khó khăn trong quá trình vận hành hệ thống điện. Song song đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã gây cản trở không ít cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này khi các nhà máy, xí nghiệp phải tạm dừng hoạt động, dẫn đến nguồn cung lớn hơn nhu cầu.

Anh Nguyễn Duy Khoa, Business Development Manager của Công Ty TNHH phân phối Ngọc Bảo là một trong những đối tác thân thiết của công ty chúng tôi.
Anh Nguyễn Duy Khoa, Business Development Manager của Công Ty TNHH phân phối Ngọc Bảo là một trong những đối tác thân thiết của công ty chúng tôi.

Vậy tính đến thời điểm hiện tại, thực trạng chung của điện mặt trời tại Việt Nam đang diễn biến ra sao và sẽ phát triển theo xu hướng như thế nào? Hãy lắng nghe chia sẻ của anh Nguyễn Duy Khoa.

Khi cơ chế và chính sách giá FIT kết thúc vào ngày 31/12/2020, cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực điện mặt trời, các chủ đầu tư đã có những phản ứng như thế nào?

Sau khi chính sách giá FIT kết thúc vào năm 2020, phản ứng lớn nhất từ phía các doanh nghiệp trong lĩnh vực này chính là chờ đợi, họ chờ đợi những cơ chế và chính sách mới để có thể triển khai tiếp tục các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đang còn trong giai đoạn chờ đợi.

“Theo lãnh đạo Cục điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương đang được Chính phủ giao xây dựng Thông tư quy định về khung giá bán điện cho các loại hình điện, trong đó có điện mặt trời và cơ chế này vẫn đang trong quá trình dự thảo” (Theo Báo Lao Động ngày 16/06/2022).

Theo anh, trong những năm vừa qua, những địa phương nào thu hút đầu tư điện năng lượng mặt trời nhiều nhất và lý do vì sao?

Sau năm 2020, việc đầu tư bị gián đoạn đáng kể đối với các chủ đầu tư, nhiều công ty thương mại và các nhà thầu về điện mặt trời đã ngưng hoạt động hoặc rời ngành, một số khác đã thu hẹp công việc kinh doanh, chuyển hướng sang các lĩnh vực liên quan như: đèn mặt trời, quạt mặt trời, các giải pháp lưu trữ…

Từ năm 2020 trở về trước, các địa phương ở miền Nam, Tây Nguyên và các tỉnh Duyên Hải Miền Trung là nơi tập trung chủ yếu của điện mặt trời do lượng bức xạ ở các khu vực này nhiều, giúp sản lượng điện khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, sau năm 2020, sự phân bố đầu tư điện mặt trời đã có những chuyển dịch rõ nét sang các địa phương ở khu vực miền Bắc. Các dự án điện mặt trời trước đó đã tập trung chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam trong khi các nhà máy ở miền Bắc vẫn còn nhiều đất trống, do đó các chủ đầu tư đã bắt đầu mở rộng sang khu vực miền Bắc để xây dựng hệ thống điện mặt trời. Đây cũng được xem là sự dịch chuyển tất yếu để thích nghi với hoàn cảnh vào thời điểm đó.

Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến sự dịch chuyển này là do một số nhà máy, doanh nghiệp ở khu vực miền Bắc cần sử dụng điện mặt trời để đạt được chứng chỉ xanh, góp phần bảo vệ môi trường và đáp ứng điều kiện để được xuất khẩu.

Hiện nay, trên các phương tiện truyền thông, chúng ta dễ dàng bắt gặp thông tin điện năng lượng mặt trời đang bị thừa. Vậy điều này gây cản trở gì trong quá trình phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và đây có phải là lý do khiến điện mặt trời không còn hấp dẫn để đầu tư?

Việc thừa điện mặt trời đã bắt đầu từ khoảng 6 tháng đến 1 năm trở về trước, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều công ty, doanh nghiệp phải ngừng hoạt động để giãn cách xã hội. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng điện giảm đáng kể, ngay cả chủ thụ hưởng, chủ đầu tư thì nhu cầu tiêu thụ tại chỗ cũng giảm, dẫn đến việc ngừng hoặc giảm đầu tư vào hệ thống điện mặt trời để chờ một thời điểm thích hợp hơn. Do đó, dẫn đến sự chậm trễ trong kế hoạch đầu tư.

Hiện tại, tình hình chung của điện mặt trời đang gặp khá nhiều khó khăn và khó khăn lớn nhất chính là công suất đang dư thừa. Hai nguyên nhân lớn nhất dẫn đến khó khăn này có thể kể đến là khi chính sách giá FIT của Chính phủ đã kết thúc vào năm 2020 thì dịch bệnh Covid-19 cũng bùng phát và kéo dài trong năm 2021. Do đó, các dự án được đầu tư vào năm 2020 lại không tìm được nơi tiêu thụ khi nhu cầu sử dụng điện giảm rất nhiều so với trước đó.

Đối với nguồn điện thừa không thể bán được, hoặc khi bị cắt giảm công suất điện, các chủ đầu tư đã có những phương án nào để giải quyết vấn đề này?

Sau năm 2020, khi chưa có chính sách mới và không còn tiếp tục bán điện cho EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), các doanh nghiệp đã quay trở về cơ chế tự phát tự dùng. Những nhà đầu tư sẽ tiếp tục sử dụng tại chỗ để phục vụ cho doanh nghiệp và các quỹ đầu tư sẽ tiếp tục bán điện cho những doanh nghiệp đối tác.

Tính đến hiện tại, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia tiềm năng để sản xuất điện mặt trời và việc đầu tư này vẫn mang lại những giá trị nhất định cho các chủ đầu tư. Đó là lý do vì sao nhiều chủ đầu tư nước ngoài vẫn đang tiếp tục đầu tư vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam.

Theo anh, để giải quyết những thách thức của thị trường điện mặt trời, chúng ta đang chờ đợi những giải pháp gì? Các chính sách từ Chính phủ có phải là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến các giải pháp này?

Chính sách từ Chính phủ có ảnh hưởng tức thì và ảnh hưởng rộng khắp cả lĩnh vực điện mặt trời, dưới góc độ là một công ty thương mại, nhà phân phối, khi có chính sách nhất quán và rõ ràng từ Chính phủ, các đơn vị sẽ có những kế hoạch phát triển kinh doanh, đào tạo, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân sự để phát triển.

Mặc dù điện mặt trời phát triển rất tốt tại Việt Nam nhưng do một số yếu tố khách quan, cụ thể là dịch bệnh nên tốc độ phát triển đã bắt đầu chậm lại. Vậy theo anh, dự đoán trong năm 2023, điện năng lượng mặt trời có tiếp tục phát triển và sẽ phát triển theo xu hướng như thế nào?

Theo thông tin tôi có được từ các doanh nghiệp đối tác đang hoạt động trong lĩnh vực điện mặt trời thì điện mặt trời vẫn có những tiềm năng nhất định ở khía cạnh tự phát tự dùng.

Ví dụ, các doanh nghiệp sẽ đầu tư để tiêu thụ tại chỗ, phục vụ cho chính doanh nghiệp của mình; hoặc các doanh nghiệp nước ngoài sẽ đầu tư lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng của chủ đầu tư ở Việt Nam và bán lại phần điện thừa cho chủ đầu tư để thu lợi nhuận. Hơn nữa, những nhà máy có nhu cầu xuất khẩu đi nước ngoài cần có chứng chỉ xanh, giảm phát thải CO2 thì việc lắp đặt điện mặt trời là yếu tố cần thiết.

Chính vì vậy, có thể nói mặc dù điện mặt trời vẫn có những thách thức nhưng song song đó vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển. Trong năm 2023, điện mặt trời vẫn sẽ phát triển và phát triển theo xu hướng tự phát, tự dùng là chủ yếu.

Như vậy, thông qua cuộc trò chuyện cùng anh Nguyễn Duy Khoa, có thể thấy rằng trong những năm trở lại đây, bên cạnh những thách thức thì lĩnh vực Năng lượng mặt trời vẫn tồn tại những tiềm năng và cơ hội nhất định. Hy vọng, trong năm 2023, lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Tại HELUKABEL, chúng tôi cung cấp giải pháp toàn diện về công nghệ kết nối điện với các sản phẩm dây cáp và phụ kiện cần thiết cho hệ thống điện mặt trời. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành cùng bạn trong những dự án điện mặt trời trong tương lai.

Xin cảm ơn những chia sẻ ý nghĩa của anh Nguyễn Duy Khoa, chúc anh thật nhiều sức khỏe và thành công!

Trở lại bảng tin