TỰ ĐỘNG HÓA CÓ PHẢI LÀ CHÌA KHÓA THÀNH CÔNG CHO NGÀNH F&B?

Tự động hóa có phải là chìa khóa thành công cho ngành F&B? Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng chúng tôi, HELUKABEL Việt Nam gặp gỡ và trò chuyện cùng anh Đỗ Minh Toàn, Giám đốc công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật LEAN, một đối tác của chúng tôi.

Cuộc trò chuyện cùng anh Đỗ Minh Toàn, Giám đốc công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật LEAN,

Trong bối cảnh thị trường đang gặp nhiều biến động sau đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp đang phải chạy đua để tìm kiếm các giải pháp mới, giúp gia tăng sản xuất, tối ưu chi phí để có thể tồn tại và phát triển. Trước thực trạng trên, tự động hóa được xem là chìa khóa giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là ngành F&B đạt được những mục tiêu trên, tiết kiệm sức lao động, tăng năng suất và giải quyết bài toán chi phí.

Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy cùng chúng tôi, HELUKABEL Việt Nam gặp gỡ và trò chuyện cùng anh Đỗ Minh Toàn, Giám đốc công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật LEAN, một đối tác của chúng tôi.

Anh Đỗ Minh Toàn là kỹ sư đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực F&B (Food and Beverage) và FMCG (Fast Moving Consumer Goods). Sau khoảng thời gian đảm nhận vị trí kỹ sư ở các công ty như Nestle và Mondelez, với kinh nghiệm vốn có và mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả tự động hóa để tăng trưởng nhanh chóng, anh Toàn đã quyết định thành lập công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật LEAN vào năm 2016.

Anh Đỗ Minh Toàn (từ phải sang trái, vị trí số 3) và những cộng sự trong các dự án tư vấn giải pháp tự động hóa cho nhà máy (Nguồn: Công ty Lean).
Anh Đỗ Minh Toàn (từ phải sang trái, vị trí số 3) và những cộng sự trong các dự án tư vấn giải pháp tự động hóa cho nhà máy (Nguồn: Công ty Lean).

*Dưới góc độ là một người chuyên tư vấn cho các nhà máy áp dụng tự động hóa, anh sẽ định nghĩa tự động hóa trong nhà máy sản xuất như thế nào theo cách dễ hiểu nhất?

Khi doanh nghiệp muốn sản xuất ra bất kỳ sản phẩm nào, nếu không ứng dụng tự động hóa, điều này có nghĩa họ cần có nguồn nhân lực và những công cụ thô sơ, trong đó, con người sẽ là yếu tố chính để tạo ra sản phẩm. Ngược lại, tự động hóa là sử dụng máy móc, thiết bị hoạt động tự động thay thế cho con người để tạo ra sản phẩm một cách nhanh chóng, hiệu suất và chất lượng nhất.

*Theo anh, hiện tại việc ứng dụng tự động hóa vào nhà máy sản xuất ngành F&B tại thị trường Việt Nam đang diễn biến như thế nào? Đây có phải là dấu hiệu tích cực giúp các doanh nghiệp bứt phá và phát triển trở lại?

Hiện tại, việc phát triển tự động hóa trong ngành F&B đang là xu hướng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Trong quá trình gặp gỡ và tư vấn cho các khách hàng, tôi nhận thấy khách hàng đang rất tập trung và đầu tư vào việc chuyển đổi từ bán tự động sang tự động hóa hoàn toàn trong nhà máy sản xuất. Mục tiêu của các doanh nghiệp khi áp dụng sản xuất tự động hóa chính là tăng năng suất, tăng khả năng cạnh tranh so với đối thủ và mang lại sự hài lòng cao nhất cho khách hàng.

*Việc áp dụng tự động hóa vào nhà máy sản xuất đã mang lại sự thay đổi cụ thể gì cho doanh nghiệp?

Thứ nhất, những thay đổi có thể kể đến khi ứng dụng tự động hóa chính là hiệu suất và công suất của nhà máy sẽ tăng lên. Ví dụ, nhà máy sản xuất bán tự động trong 1 tháng chỉ có thể cho ra 100 tấn sản phẩm nhưng khi ứng dụng tự động hóa, số lượng sản phẩm sẽ có thể tăng lên từ 200-300 tấn.

Thứ 2, tự động hóa nhà máy sản xuất giúp tăng khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Ví dụ, trong ngành F&B và mặt hàng tiêu dùng nhanh FMCG, các sản phẩm là sản phẩm con người sử dụng trực tiếp và nhu cầu của con người thì thay đổi rất nhanh. Do đó, chỉ có ứng dụng tự động hóa mới có thể giúp doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thay đổi liên tục của khách hàng, giúp tăng chỉ tiêu doanh thu bán hàng.

Công ty Lean chuyên cung cấp các giải pháp tự động hóa ở nhiều lĩnh vực từ năm 2016. (Nguồn: Công ty Lean)
Công ty Lean chuyên cung cấp các giải pháp tự động hóa ở nhiều lĩnh vực từ năm 2016. (Nguồn: Công ty Lean)

*Chúng ta hoàn toàn hiểu được những lợi ích mà tự động hóa có thể mang lại trong sản xuất như anh chia sẻ. Nhưng để chuyển đổi và áp dụng hiệu quả thì các doanh nghiệp phải đối mặt với những thách thức như thế nào?

Chuyển đổi sang tự động hóa nhà máy đặt ra thách thức rất lớn đối với những nhà máy chỉ sử dụng sức người nhiều và chưa từng áp dụng tự động hóa trong sản xuất. Họ cần đầu tư rất nhiều chi phí để thay đổi toàn bộ hệ thống sản xuất và thay đổi thói quen làm việc của nhân viên.

Bên cạnh chi phí đầu tư ban đầu cho nhà máy, thách thức sau đó là làm thế nào để duy trì hệ thống tự động hóa hiệu quả lâu dài. Điều này phụ thuộc vào yếu tố con người là chủ yếu. Do đó, doanh nghiệp cần phải lên kế hoạch đào tạo nhân sự để thích ứng và duy trì nhà máy tự động hóa.

Ngoài 2 yếu tố về chi phí và đào tạo nhân sự, doanh nghiệp còn gặp phải thách thức trong quá trình tìm nhà cung cấp máy móc, công nghệ mới nhất và khâu chọn nhà thầu chất lượng để áp dụng hệ thống tự động hóa.

*Để giải quyết những thách thức như anh đề cập, các doanh nghiệp đã có những giải pháp gì thưa anh?

Doanh nghiệp cần chủ động giải quyết các thách thức đặt ra để giúp quá trình chuyển đổi tự động hóa diễn ra thuận lợi và hiệu quả. Trước tiên, chủ doanh nghiệp cần đặt ra mục tiêu rõ ràng trong một khoảng thời gian cụ thể.

Chẳng hạn, trong 2-3 năm tới phải đạt đến mức doanh thu bao nhiêu, yêu cầu sản lượng như thế nào. Từ đó, doanh nghiệp có thể tìm được nhà cung cấp và giải pháp phù hợp với mục tiêu đã đặt ra, đảm bảo đạt được doanh thu và thu được lợi nhuận tốt.

Thông thường, trong nhà máy F&B sẽ được chia thành các khu vực chính như: khu vực chế biến, chiết rót, đóng gói, kho bãi… đa phần các khu vực này đều cần áp dụng tự động hóa để tối ưu quy trình sản xuất, tiết kiệm thời gian và sức lao động.

*Trong một dây chuyền tự động hóa thực phẩm và đồ uống, nếu xảy ra sự sai sót trong quá trình truyền tải thông tin từ phòng điều khiển đến bộ phận sản xuất, điều này sẽ dẫn đến sai sót hàng loạt các sản phẩm đầu ra. Vậy, theo anh, đây có phải là vấn đề lớn khi ứng dụng tự động hóa trong sản xuất hay không?

Đây được xem là vấn đề lớn vì khi sai sót này xảy ra, toàn bộ hệ thống sản xuất sẽ bị ảnh hưởng và dẫn đến tổn hao nhiều chi phí, đặc biệt là làm ảnh hưởng đến sự hài lòng của khách hàng. Vấn đề sai sót này có thể đến từ số liệu do con người hoặc từ máy móc. Do đó, doanh nghiệp cần tìm hiểu nguồn gốc để có được hướng xử lý phù hợp, tránh thiệt hại nghiêm trọng.

Để góp phần đảm bảo tín hiệu truyền tải chính xác thì dây cáp điện đóng vai trò rất quan trọng. Trên thị trường nhà máy công nghiệp có 2 dòng chính là cáp điều khiển và cáp động lực. Trong tự động hóa thì cáp điều khiển đóng vai trò then chốt, cáp điều khiển có nhiệm vụ chuyển giao tín hiệu từ máy A sang máy B. Việc truyền tải này đòi hỏi sự chính xác và độ tin cậy cao để không xảy ra sai sót.

Hầu hết các khu vực trong nhà máy đều ứng dụng tự động hóa để mang lại hiệu suất tốt nhất. (Nguồn: Công ty Lean)
Hầu hết các khu vực trong nhà máy đều ứng dụng tự động hóa để mang lại hiệu suất tốt nhất. (Nguồn: Công ty Lean)

*Khi lựa chọn các sản phẩm dây cáp điện dùng cho hệ sản xuất tự động hóa, khách hàng thường sẽ đưa ra những yêu cầu gì? Công ty Lean sẽ tư vấn cho khách hàng dựa trên những tiêu chí nào?

Phần lớn khách hàng chỉ đưa ra nhu cầu chung về mức độ an toàn và truyền tải tín hiệu chính xác cho dây cáp điện. Tuy nhiên, ở vai trò là nhà cung cấp giải pháp, tôi sẽ quan tâm đến các tiêu chí như: môi trường hoạt động và điều kiện lắp đặt. Chẳng hạn như, ở môi trường nhiệt độ cao, thường có nhiễu tín hiệu, có rò rỉ dầu… việc lựa chọn dây cáp điện sẽ rất khác, dây cáp điện phải có những tính năng đặc biệt để hoạt động tốt trong môi trường khắc nghiệt, cũng như phải có những tính năng đặc trưng cho các máy móc và thiết bị tự động hóa.

*Ở góc độ là một nhà cung cấp giải pháp tự động hóa cho nhà máy sản xuất F&B, anh có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp khi đang có ý định áp dụng tự động hóa trong thời điểm hiện tại?

Áp dụng tự động hóa cho nhà máy sản xuất là nhu cầu chính đáng của mọi doanh nghiệp. Tự động hóa được xem là con đường duy nhất để tăng tính cạnh tranh, tăng năng suất, tiết kiệm sức lao động và chi phí. Để áp dụng và chuyển đổi tự động hóa sản xuất hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải có mục tiêu rõ ràng trong khoảng thời gian cụ thể và chọn đúng giải pháp để mang lại hiệu quả như mong đợi.

*Theo anh, trong năm 2023, xu hướng chuyển đổi tự động hóa trong sản xuất có tiếp tục tăng trưởng hay sẽ thay đổi như thế nào?

Có thể thấy, năm 2022 do dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, dòng tiền và chuỗi cung ứng đã có nhiều biến động nên các doanh nghiệp đã gặp không ít thách thức trong việc duy trì và phát triển công ty. Theo tôi, trong năm 2023, xu hướng chuyển đổi tự động hóa vẫn sẽ tiếp tục tăng để doanh nghiệp tối ưu quy trình sản xuất, tăng tính cạnh tranh để có thể phát triển và thích ứng với xu thế hiện tại. Đồng thời, các chủ đầu tư, nhà thầu cũng sẽ nhìn nhận và đánh giá về các tình huống cụ thể để cùng phối hợp với doanh nghiệp giải quyết thách thức và cùng phát triển.

Bên cạnh những chia sẻ trên, anh Đỗ Minh Toàn còn cho biết thêm, trong năm 2023, công ty Lean cũng đề ra những chỉ tiêu cụ thể, tăng số lượng khách hàng ở ngành F&B và mở rộng thị trường không chỉ ở khu vực Đông Nam Bộ mà còn ở khu vực miền Trung và miền Tây. Song song đó, công ty Lean mở rộng nguồn cung cấp sản phẩm để mang đến giải pháp toàn diện, tăng khả năng cạnh tranh.

Kết thúc buổi trò chuyện về chủ đề “Tự động hóa trong lĩnh vực F&B”, chúng tôi, HELUKABEL Việt Nam xin gửi lời cảm ơn chân thành đến anh Đỗ Minh Toàn vì những chia sẻ hữu ích của anh đến các doanh nghiệp. Chúc anh Toàn và công ty Lean sẽ ngày càng phát triển hơn nữa để giúp các doanh nghiệp ứng dụng tự động hóa thành công và phát triển bền vững.

Trở lại bảng tin