FAQs: Top những câu hỏi thường gặp về dây cáp điện

Khi lựa chọn dây cáp điện, có rất nhiều thông tin cần tìm hiểu, từ cấu trúc, đặc tính, vật liệu, đến các loại cáp khác nhau. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp những thông tin cần thiết, giúp người dùng đơn giản hóa quá trình lựa chọn cáp điện.

1. Những vấn đề cơ bản về dây cáp điện

Sự khác biệt giữa dây điện (wire) và dây cáp điện (cable)

1.1 Sự khác biệt giữa dây cáp điện và dây điện là gì?

Dây cáp điện (cables) và dây điện (wires) đều là những thành phần quan trọng trong hệ thống điện, nhưng không phải là một.

Dây điện là một lõi dẫn điện, được làm từ vật liệu dẫn điện như nhôm hoặc đồng. Lõi này có thể là một sợi đơn hoặc gồm nhiều sợi nhỏ xoắn lại với nhau. Dây điện có thể không bọc cách điện hoặc được bọc bằng lớp vỏ cách điện có mã màu. Lõi dây điện có nhiều kích cỡ khác nhau và được đo theo chuẩn AWG (American Wire Gauge). Đây là tiêu chuẩn dùng để xác định độ dày của dây thông qua đường kính lõi dẫn. Số AWG càng nhỏ thì dây càng lớn và khả năng dẫn dòng điện càng cao.

Dây cáp điện bao gồm nhiều lõi dẫn điện, được bọc cách điện và bao phủ bởi một lớp vỏ bảo vệ chung. Một số loại cáp có các lõi dẫn điện được cách điện riêng biệt rồi xoắn lại với nhau. Cáp điện thường bao gồm dây nóng (mang dòng điện), dây trung tính (hoàn tất vòng mạch), và dây tiếp địa (đảm bảo an toàn).

>>Xem thêm: AWG là gì? Ý nghĩa của chỉ số AWG đối với cáp điện

Các thành phần cơ bản ở cáp điện bao gồm: lõi dẫn điện, lớp cách điện, vỏ bảo vệ

Các thành phần cơ bản ở cáp điện bao gồm: lõi dẫn điện, lớp cách điện, vỏ bảo vệ

1.2 Cáp điện gồm những thành phần nào?

Dây cáp điện thường bao gồm những thành phần cơ bản như: lõi dẫn điện, lớp cách điện, lớp vỏ bảo vệ. Ngoài ra, cáp điện có thể được bổ sung thêm lớp chống nhiễu, chống nhiễu kép, lớp giáp…

  • Lõi dẫn điện (conductor) là thành phần quan trọng nhất trong cấu trúc cáp điện. Thành phần này chịu trách nhiệm truyền tải dòng điện, và phải có tiết diện đủ lớn để tránh hiện tượng quá nhiệt.
  • Lớp cách điện bao quanh lõi dẫn điện, có ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ và độ bền của cáp trong quá trình sử dụng. Thành phần này phải có điện trở suất cao để chịu được điện áp đặt vào. Đồng thời, lớp cách điện cũng cần chịu được nhiệt độ cao của lõi dẫn điện mà không bị mềm hoặc nóng chảy.
  • Lớp vỏ bảo vệ có chức năng bảo vệ cáp khỏi sự xâm nhập của độ ẩm và cung cấp lớp bảo vệ cơ học tổng thể chống lại các yếu tố như: tác động thời tiết (nắng, mưa, nhiệt độ), hóa chất ăn mòn, tác động điện (như hồ quang, rò điện từ bên ngoài …

>>Xem thêm: Đặc điểm, cấu tạo, và ứng dụng của các loại cáp điện

Ý nghĩa của các ký hiệu trên dây cáp điện

1.3 Ý nghĩa của các chữ số và chữ cái in trên dây cáp điện là gì?

Các ký hiệu viết tắt của cáp điện là cách ngắn gọn và tiêu chuẩn để thể hiện các thông tin quan trọng liên quan đến đặc tính và phạm vi ứng dụng của một dòng cáp cụ thể. Các thông tin này có thể bao gồm: loại cáp, điện áp danh định, vật liệu lớp cách điện và vỏ bảo vệ, tiết diện, sô lõi…

Việc tiêu chuẩn hóa các ký hiệu giúp người dùng có thể xác định chính xác các đặc tính kỹ thuật của cáp, bất kể nhà sản xuất là ai. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc lựa chọn và lắp đặt cáp đúng chuẩn trong các hệ thống điện.

Hãy cùng phân tích một ví dụ về mã cáp: H07RN-F 3G1.5. Mỗi phần của mã này đều mang một ý nghĩa kỹ thuật cụ thể:

  • H: Ký hiệu cho biết đây là loại cáp hài hòa (harmonized cable), được sản xuất theo tiêu chuẩn chung của Châu Âu.
  • 07: Chỉ định điện áp danh định là 450/750V.
  • R: Biểu thị rằng lớp cách điện lõi bên trong được làm từ cao su ethylene-propylene (EPR).
  • N: Cho biết lớp vỏ bọc ngoài là cao su polychloroprene (CR).
  • F: Ký hiệu cho cáp mềm, có cấu tạo từ nhiều sợi nhỏ, phù hợp cho các ứng dụng cần linh hoạt.
  • 3: Biểu thị số lõi trong cáp là 3.
  • G: Viết tắt của “Ground”, cho biết trong cáp có dây tiếp địa vàng/xanh.
  • 1.5: Chỉ tiết diện của mỗi lõi là 1,5 mm².

2. Lõi dẫn điện ở dây cáp điện

Quá trình bện dây ở dây cáp điện

2.1 Sự khác biệt giữa dây điện lõi đặc (solid) và dây điện bện (stranded) là gì?

Dây đặc có cấu tạo từ một lõi kim loại duy nhất, trong khi dây bện gồm nhiều sợi nhỏ được xoắn lại thành một bó.

Dây bện (stranded wire) là loại dây gồm nhiều sợi nhỏ được nén lại với nhau và bọc trong lớp cách điện không dẫn điện. Nhờ tính mềm dẻo và linh hoạt cao, loại dây này rất phù hợp để uốn cong, xoắn theo các hình dạng phức tạp, đặc biệt trong các bảng mạch điện tử (PCB) hoặc kết nối linh kiện trong những khu vực chật hẹp.

So với dây bện, dây lõi đặc có kích thước lớn hơn và nặng hơn. Loại dây này là lựa chọn lý tưởng cho các ứng dụng ngoài trời, nơi yêu cầu dòng điện lớn và độ bền cao.

2.2 Các kiểu bện dây

Có nhiều kiểu bện dây khác nhau:

Kiểu bện dâyĐặc điểm
Bện đồng tâm (concentric strand)Dây dẫn dạng bện đồng tâm bao gồm một sợi lõi trung tâm, xung quanh là một hoặc nhiều lớp sợi xoắn theo hình xoắn ốc. Mỗi lớp bên ngoài sẽ có nhiều hơn lớp trước 6 sợi
Bó sợi (bunch strand)Các sợi dây nhỏ được xoắn lại cùng chiều, không tuân theo bố cục hình học cụ thể
Dạng dây thừng (rope strand)Dây dẫn dạng dây thừng là loại xoắn đồng tâm, trong đó mỗi nhóm sợi thành phần lại là một bó sợi xoắn nhỏ hơn
Dạng hình quạt (sector conductor)Là loại dây có tiết diện gần giống hình một góc quạt tròn (một phần hình tròn)
Dạng phân đoạn (segmental conductor)Là loại dây tròn, được tạo thành từ 3 hoặc 4 phần hình quạt, mỗi phần cách điện nhẹ với nhau.
Dây dẫn rỗng tâm (annular conductor)Là loại dây tròn có cấu trúc xoắn, trong đó các sợi dẫn điện được xoắn xung quanh một lõi trung tâm phù hợp.
Dạng compact strandLà loại dây tròn hoặc dây hình quạt (sector), trong đó tất cả các lớp sợi được xoắn cùng chiều và ép nén theo một hình dạng lý tưởng xác định trước
Dạng compressed strandĐây là loại dây tròn hoặc dây hình quạt (sector), trong đó tất cả các lớp sợi được xoắn cùng chiều và ép nén theo một hình dạng lý tưởng xác định trước

2.3 Ý nghĩa của việc phân loại các lớp lõi đồng (conductor classes) ở dây cáp điện là gì?

Các loại lõi dẫn điện (conductor) được chia thành 4 cấp (classes):

  • Class 1 và class 2 được thiết kế để sử dụng trong cáp điện cho hệ thống lắp đặt cố định.
  • Class 5 và class 6 được thiết kế cho cáp mềm, nhưng cũng có thể sử dụng trong lắp đặt cố định khi cần.

Chi tiết phân loại như sau:

  • Class 1: Dây dẫn đặc (solid conductor)
  • Class 2: Dây dẫn bện (stranded conductor)
  • Class 5: Dây dẫn mềm (flexible conductor)
  • Class 6: Dây dẫn mềm hơn class 5, có tính linh hoạt cao nhất trong các cấp

Dây cáp điện nhôm mạ đồng

Dây cáp điện nhôm mạ đồng

2.4 Khi nào thì nên sử dụng cáp điện có lõi dẫn điện đồng? Khi nào thì sử dụng cáp lõi nhôm

Nhờ khả năng dẫn điện vượt trội, đồng là thành phần chính trong phần lớn các loại cáp điện cũng như nhiều thiết bị và linh kiện điện khác. Ngoài ra, dây dẫn bằng đồng còn hiện diện rộng rãi trong các lĩnh vực như truyền tải điện năng, phát điện và công nghiệp ô tô.

Tuy nhiên, để giảm chi phí và khối lượng, các đơn vị điện lực thường lựa chọn nhôm làm vật liệu cho đường dây truyền tải trên không. Với đặc tính nhẹ, cáp điện lõi nhôm cũng rất được ưa chuộng trong những ngành cần tối ưu trọng lượng như hàng không và các dòng xe công nghệ mới. Ở một số ứng dụng đặc biệt, chẳng hạn như cáp đồng trục kích thước lớn, dây nhôm mạ đồng được sử dụng để tận dụng đồng thời tính dẫn điện tốt của đồng và trọng lượng nhẹ của nhôm.

2.5 Sự khác nhau giữa dây cáp điện lõi đơn và đa lõi là gì?

Cáp lõi đơn (single-conductor cable) là loại cáp chỉ có một lõi dẫn điện được bọc cách điện.

Cáp đa lõi (multi-conductor cable) là loại cáp bao gồm nhiều lõi dẫn điện, mỗi lõi được bọc cách điện riêng, sau đó được bó lại và bọc chung trong một lớp vỏ bảo vệ.

>>Xem thêm: So sánh dây điện đơn lõi và dây điện đa lõi

3. Lớp cách điện và vỏ bảo vệ ở dây cáp điện

Một số sản phẩm dây cáp của HELUKABEL có lớp cách điện cao su

Một số sản phẩm dây cáp của HELUKABEL có lớp cách điện cao su

3.1 Lớp cách điện và vỏ bảo vệ ở cáp điện được làm từ những loại vật liệu nào?

Hai loại vật liệu vật liệu phổ biến nhất là vật liệu nhiệt dẻo (thermoplastic) và vật liệu nhiệt rắn (thermoset).

  • Vật liệu nhiệt dẻo là loại vật liệu có thể mềm ra khi nung nóng và được định hình theo yêu cầu. Khi làm nguội, vật liệu sẽ giữ nguyên hình dạng mới. Đặc điểm quan trọng của vật liệu nhiệt dẻo là có thể làm nóng chảy và định hình lại nhiều lần mà không làm thay đổi cấu trúc cơ bản.
  • Vật liệu nhiệt rắn cũng có thể được làm mềm bằng nhiệt và định hình, nhưng quá trình này chỉ thực hiện được một lần duy nhất. Nguyên nhân là do trong quá trình định hình, vật liệu đã trải qua phản ứng hóa học polymer hóa tạo liên kết chéo, khiến vật liệu không thể nóng chảy lại được sau khi đã định hình.

NhómLoại vật liệuĐặc điểm
Nhựa nhiệt dẻoPVCLà loại vật liệu phổ biến, có độ linh hoạt cao, chi phí tương đối rẻ, được sử dụng phổ biến cho nhiều ứng dụng
FluoropolymersĐược sử dụng làm vật liệu cách điện cho ứng dụng điện hạ thế. Gồm nhiều loại như Teflon (PTFE, FEP, PFA), Tefzel (ETFE), Halar (ECTFE) và Kynar hay Solef (PVDF)
Polyethylene (PE)Sở hữu đặc tính điện tốt, hằng số điện môi thấp và điện trở cách điện rất cao
Polypropylene (PP)Sở hữu những đặc tính tương tự PE, nhưng cứng hơn
Thermoplastic Elastomer (TPE)Có đặc tính chịu lạnh vượt trội, giúp nó trở thành lựa chọn lý tưởng cho lớp cách điện và lớp vỏ bọc trong các khu vực khí hậu lạnh.
Polyurethane (PUR)Chủ yếu được sử dụng làm vỏ bảo vệ cho dây cáp điện, nổi bật với khả năng chống mài mòn vượt trội
Nhựa nhiệt rắnNeoprene (CP)Vật liệu này tạo nên lớp vỏ bọc có độ đàn hồi cao, không bị biến dạng vĩnh viễn dưới tác động của nhiệt độ và tải trọng. Đồng thời, nó không bị giòn khi gặp nhiệt độ thấp.
Cross-linked Polyethylene (XLP hoặc XLPE)Vật liệu này thường được dùng làm lớp cách điện cho dây điện dân dụng 600V, cáp điện trung thế và cao thế từ 5 kV đến 69 kV hoặc cao hơn, cũng như trong các loại cáp điều khiển.
Ethylene Propylene Rubber (EP, EPR, or EPDM)Đây là một loại cao su tổng hợp phổ biến, dùng làm vật liệu cách điện cho cáp điện
SiliconeSilicone là một loại vật liệu cách điện mềm, dạng cao su, có dải nhiệt độ hoạt động rộng từ –80°C đến 200°C.

Một số sản phẩm dây cáp của HELUKABEL có vật liệu cách điện XLPE

Một số sản phẩm dây cáp của HELUKABEL có vật liệu cách điện XLPE

3.2 Khi nào thì nên sử dụng cáp điện XLPE?

PVC là loại vật liệu cách điện/vỏ bảo vệ phổ biến nhất do chi phí thấp, có khả năng vận hành ổn định ở đa số các ứng dụng dân dụng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thì XLPE lại là lựa chọn ưu việt hơn. XLPE có nhiệt độ làm việc tối đa lên đến 90°C. Điều này đồng nghĩa với việc nếu so sánh cáp cách điện XLPE và cáp cách điện PVC có cùng tiết diện lõi dẫn, thì cáp XLPE có khả năng chịu dòng điện cao hơn.

Ngoài ra, với yêu cầu tải dòng hiện tại, trong một số trường hợp, cáp XLPE có thể cho phép chọn tiết diện nhỏ hơn so với PVC mà vẫn đảm bảo khả năng truyền tải, giúp tối ưu hóa thiết kế hệ thống điện.

Quá trình liên kết chéo còn giúp tăng khả năng kháng dầu và hóa chất, ngay cả khi hoạt động ở nhiệt độ cao. Nhờ những đặc tính này, XLPE thường được sử dụng làm lớp cách điện cho cáp chống cháy hoặc cáp LSZH (Low Smoke Zero Halogen).

4. Lớp chống nhiễu và lớp giáp

Cáp bọc lưới chống nhiễu với lớp đồng mạ thiếc độ che phủ hơn 85%

Cáp bọc lưới chống nhiễu với lớp đồng mạ thiếc độ che phủ hơn 85%

4.1 Lớp chống nhiễu ở dây cáp điện là gì?

Lớp chống nhiễu (Shield/Screen) là một lớp kim loại bao bọc bên ngoài một lõi dẫn cách điện hoặc một nhóm lõi dẫn, thường được áp dụng trong cấu trúc cáp. Mặc dù trông giống nhau, nhưng lớp chống nhiễu ở cáp tín hiệu có nhiệm vụ chống nhiễu EMI, trong khi lớp chống nhiễu ở các loại cáp cấp nguồn đóng vai trò bảo vệ người sử dụng khỏi nguy cơ điện giật.

Các loại bọc chống nhiễu phổ biến bao gồm: foil shield, braided shield, và spiral shield.

4.2 Vai trò của lớp giáp ở dây cáp là gì?

Trong nhiều trường hợp, cáp điện cần được lắp đặt ở những khu vực chịu tác động cơ học khắc nghiệt. Những lực tác động này có thể làm hư hỏng lõi dẫn cách điện hoặc sợi quang bên trong cáp nếu không được bảo vệ phù hợp.

Vì vậy, người ta thường bọc một lớp giáp (armor) - thường là kim loại - bên ngoài lõi cáp để bảo vệ khỏi các tác động cơ học như đè nén, va đập, kéo căng... Lớp giáp không chỉ kéo dài tuổi thọ cáp mà còn nâng cao độ tin cậy, an toàn và hiệu suất hoạt động của lõi cáp.

>>Xem thêm: Tầm quan trọng của lớp chống nhiễu và lớp giáp ở cáp điện

5. Phân biệt các loại cáp điện phổ biến

5.1 Sự khác nhau giữa dây cáp cấp nguồn (power) và cáp điều khiển (control) là gì?

Cáp cấp nguồn chủ yếu được sử dụng để truyền tải điện năng từ điểm này đến điểm khác. Chúng được thiết kế để chịu dòng điện cao, dùng để cấp nguồn điện cho thiết bị, máy móc và hệ thống cần điện để vận hành.

Ngược lại, cáp điều khiển được sử dụng để truyền tín hiệu điều khiển chứ không phải điện năng. Loại cáp này kết nối các thiết bị điều khiển như công tắc, nút nhấn, cảm biến và các thiết bị điều khiển khác với hệ thống điều khiển, nhằm quản lý và điều phối hoạt động của máy móc, thiết bị hoặc quy trình sản xuất.

>>Xem thêm: Danh mục cáp điều khiển và cáp tín hiệu của HELUKABEL

5.2 Sự khác biệt giữa cáp tín hiệu và cáp điều khiển là gì?

Cáp tín hiệu có chức năng chính là truyền tín hiệu. Loại cáp này đóng vai trò thiết yếu trong nhiều ứng dụng - từ truyền tín hiệu từ cảm biến, thiết bị đo lường, cho đến kết nối truyền thông dữ liệu qua Internet. Cáp tín hiệu thường yêu cầu độ chính xác cao trong quá trình truyền dẫn, và được thiết kế để chống nhiễu điện từ (EMI) nhằm đảm bảo tín hiệu ổn định và chính xác.

Ngược lại, chức năng chính của cáp điều khiển là kết nối các thiết bị điều khiển hoặc cấp nguồn điện cho thiết bị. Cáp điều khiển thường được sử dụng để truyền tín hiệu điều khiển, nhằm quản lý hoạt động của thiết bị và máy móc trong các quy trình tự động hóa. Vì vậy, cáp điều khiển có khả năng chịu dòng điện và điện áp cao hơn so với cáp tín hiệu.

5.3 Sự khác nhau giữa dây cáp xoắn đôi và cáp đồng trục là gì?

Cáp xoắn đôi gồm hai lõi dẫn điện được cách điện, sau đó xoắn lại với nhau nhằm giảm nhiễu điện từ từ môi trường bên ngoài hoặc giữa các cặp dây. Loại cáp này thường được sử dụng trong mạng máy tính (LAN) và đường dây điện thoại.

Cáp đồng trục gồm một lõi dẫn trung tâm được cách điện, xung quanh là lớp chắn bằng kim loại dạng lưới hoặc lá nhôm để chống nhiễu hiệu quả. Cáp đồng trục thường được sử dụng trong truyền hình cáp, hệ thống camera, và kết nối internet tốc độ cao.

>>Xem thêm: Đặc điểm của cáp xoắn đôi - Phân biệt cáp UTP và cáp STP

5.4 Cáp LAN, cáp ethernet, cáp network có giống nhau hay không?

Cáp mạng LAN là loại dây cáp điện được thiết kế để kết nối các thiết bị trong một khu vực giới hạn, chẳng hạn như nhà ở, trường học hoặc văn phòng. Cáp LAN hoạt động bằng cách truyền tín hiệu điện thông qua các cặp dây đồng xoắn đôi.

Cáp Ethernet là một loại cáp LAN chuyên dụng, được thiết kế để kết nối thiết bị với mạng nội bộ, thường là thông qua router hoặc modem. Cáp Ethernet hoạt động dựa trên các giao thức mạng cụ thể, điều chỉnh cách dữ liệu được truyền giữa các thiết bị trong mạng LAN. Cáp Ethernet được phân loại thành các category khác nhau, với mỗi loại cung cấp mức hiệu suất và tốc độ truyền dữ liệu riêng biệt.

Cáp mạng (Network cable) là một thuật ngữ rộng, dùng để chỉ nhiều loại cáp khác nhau được sử dụng để kết nối và truyền dữ liệu giữa các thiết bị trong mạng máy tính. Các loại cáp mạng bao gồm: Cáp Ethernet (LAN), cáp quang (Fibre optic), cáp đồng trục (Coaxial cable).

5.5 Phân biệt cáp chịu nhiệt, chống cháy và cáp chậm cháy

Cáp chịu nhiệt là loại dây cáp điện không được thiết kế để chịu lửa trực tiếp, nhưng có khả năng chịu được mức nhiệt cao mà không bị nóng chảy hay suy giảm hiệu suất. Khi chuyển từ khái niệm chịu nhiệt (temperature-resistant) sang chống cháy(fire-resistant), cần lưu ý rằng hai thuật ngữ này không thể dùng thay thế cho nhau. Một loại vật liệu có khả năng chịu nhiệt tốt vẫn có thể bắt lửa dễ dàng, trong khi một vật liệu có khả năng chống cháy cao lại chỉ chịu được nhiệt độ thấp trong thời gian giới hạn.

Cáp chống cháy là loại cáp có thể tiếp tục hoạt động bình thường trong điều kiện có cháy, không gây bắt lửa lan ra xung quanh. Cáp này được thiết kế để đảm bảo duy trì tín hiệu và nguồn điện cho các hệ thống quan trọng như báo cháy, cứu hỏa, đèn khẩn cấp trong thời gian cháy diễn ra.

Cáp chậm cháy có khả năng làm chậm quá trình cháy lan nhờ vào các vật liệu tự dập lửa được tích hợp trong cấu trúc thiết kế. Tuy nhiên, loại cáp này không được thiết kế để tiếp tục hoạt động trong điều kiện có cháy và sẽ ngừng hoạt động khi tiếp xúc với lửa.

5.6 Sự khác nhau giữa dây cáp CV/CVV/CXV

Cáp CV, CVV và CXV đều là các loại cáp điện lực lõi đồng, nhưng khác nhau về vật liệu cách điện và lớp vỏ bọc, dẫn đến sự khác biệt về độ linh hoạt, nhiệt độ làm việc và khả năng truyền tải điện năng.

  • Cáp CV (Cu/PVC): lõi dẫn điện bằng đồng, lớp cách điện PVC, không có lớp vỏ bảo vệ bên ngoài
  • Cáp CVV (Cu/PVC/PVC): lõi đồng, cách điện PVC, vỏ bảo vệ PVC
  • Cáp CXV (Cu/XLPE/PVC): lõi đồng, cách điện XLPE, vỏ bảo vệ PVC

>>Xem thêm: Phân biệt dây cáp CVV và CXV

Nếu vẫn còn băn khoăn, đừng quên liên hệ ngay đội ngũ kỹ sư của HELUKABEL Việt Nam để được giải đáp chi tiết.

HELUKABEL® Vietnam

Địa chỉ 905 Nguyễn Kiệm, Phường 3, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh 700000
Email info@helukabel.com.vn
Hotline +84 28 77755578
Website www.helukabel.com.vn
Khám phá và đặt mua các sản phẩm của chúng tôi trên Tiki | Shopee | Lazada | Product finder
Kết nối với chúng tôi trên Facebook | LinkedIn | Instagram | Youtube | Zalo | WhatsApp | Tiktok | Spotify
Trở lại bảng tin